Published on

Những biện pháp quan hệ phổ biến trong cộng đồng đồng tính nam 🌈

Tác giả
  • avatar
    Name
    Pride's Little World
    Twitter

HIV/AIDS đang là một trong những gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam khi số ca nhiễm tăng nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là qua quan hệ đồng giới. Vậy những biện pháp nào mà chúng ta có thể áp dụng để bảo vệ bản thân cũng như bạn tình trong quan hệ tình dục là thắc mắc của rất nhiều người. Trong chiếc blog này, Pride's Little World sẽ hướng dẫn các bạn một số biện pháp phổ biến mà chúng ta có thể dùng để quan hệ tình dục một cách an toàn hơn nhé.

Bao cao su:

Việc sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục có thể giúp ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tránh thai không mong muốn. Bao cao su là một biện pháp bảo vệ đơn giản, hiệu quả và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc sử dụng bao cao su cũng có thể gây ra một số tác hại. Nếu không sử dụng đúng cách, bao cao su có thể bị rách hoặc trượt ra khỏi chỗ, gây ra nguy cơ lây truyền các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc mang thai không mong muốn. Để sử dụng bao cao su hiệu quả và an toàn, người sử dụng cần tuân thủ một số lưu ý sau:

  • Chọn loại phù hợp và sử dụng đúng cách: Bao cao su có nhiều loại khác nhau, người sử dụng cần chọn loại phù hợp với kích thước và cảm giác của bản thân. Ngoài ra, người sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao cao su và sử dụng đúng cách để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
  • Kiểm tra tính nguyên vẹn của bao cao su: Trước khi sử dụng, người dùng cần kiểm tra bao cao su để đảm bảo tính nguyên vẹn của sản phẩm. Nếu bao có tình trạng bị rách, thủng lỗ ngoài vỏ bao bì hoặc hết hạn sử dụng, tuyệt đối không được sử dụng mà hãy vứt đi nhé.
  • Không tái sử dụng bao cao su: Bao cao su chỉ sử dụng một lần và sau đó phải được vứt đi. Khi bao cao su được sử dụng, chúng ta không chỉ loại bỏ tinh trùng, mà còn loại bỏ các vi khuẩn và chất lỏng sinh dục khác. Sử dụng lại bao cao su có thể dẫn đến lây nhiễm vi khuẩn hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Vì thế, hãy sử dụng bao mới mỗi khi quan hệ tình dục.
  • Bảo quản đúng cách: Người sử dụng cần lưu trữ bao cao su ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp. Tránh để bao cao su tiếp xúc với các chất tẩy rửa, dầu mỡ hoặc các chất hóa học khác. Nếu được, bạn hãy bảo quản nó trong bao bì gốc hoặc trong một túi riêng biệt.

Các loại thuốc điều trị dự phòng HIV:

💊 Thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV - PrEP (Pre-Exposure Prophylaxis):
Là một trong những biện pháp an toàn, hiệu quả và phổ biến nhất để phòng HIV. Đối tượng sử dụng PrEP là người chưa nhiễm HIV hoặc có các hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV như: nam có quan hệ đồng giới, người tiêm chích ma túy, người chuyển giới nữ, mua bán dâm và bạn tính khác giới (nam, nữ). Có 2 cách dùng thuốc mà bạn cần lưu ý.

Uống hàng ngày: Dùng 1 viên mỗi ngày

  • Người có nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc qua đường máu: PrEP chỉ có tác dụng bảo vệ tối đa sau khi sử dụng đủ 21 ngày thuốc ARV liên tục.
  • Nam quan hệ tình dục đồng giới qua hậu môn: Hiệu quả tối đa sau 7 ngày uống liên tục hoặc uống 2 viên TDF/FTC (hai thành phần chính của PrEP) trước khi quan hệ tình dục 2 -24 giờ. Thời gian bảo vệ sau lần phơi nhiễm cuối cùng là 2 ngày. Cần tiếp tục sử dụng thuốc PrEP 2 ngày sau lần quan hệ tình dục cuối cùng.
  • Đối với người quan hệ tình dục qua đường âm đạo và nguy cơ lây nhiễm qua đường máu: PrEP cần được tiếp tục sử dụng đến hết 28 ngày sau lần phơi nhiễm cuối cùng.

Uống theo tình huống (ED-PrEP): Trường hợp này chỉ dành cho nam quan hệ tình dục đồng giới có chỉ định dùng PrEP và có tần suất quan hệ tình dục trung bình dưới 2 lần/tuần và cần đảm bảo được việc dùng thuốc ARV trong vòng 2-24 giờ trước khi quan hệ tình dục. Cách uống như sau:\

  • Uống 2 viên (liều đầu tiên) trước khi quan hệ tình dục 24 giờ, chậm nhất là 2 giờ trước khi có quan hệ tình dục.
  • Uống viên thứ 3: sau 24 giờ tính từ khi uống liều đầu tiên
  • Uống viên thứ 4: sau 24 giờ tính từ khi uống liều thứ hai.

Hãy lưu ý rằng PrEP chỉ phòng ngừa được HIV chứ không dự phòng các bệnh lây qua đường tình dục khác như giang mai, sùi mào gà,... Vì thế các bạn vẫn nên kết hợp giữa việc sử dụng bao cao su và PrEP nhé. Ngoài ra, những phản ứng phụ sẽ gặp của PrEP là buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt nhẹ và sẽ hết trong 1-2 tuần. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, bạn hãy đến trung tâm y tế để gặp bác sĩ tư vấn nhé.

💊 Thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV - PEP (Post-Exposure Prophylaxis): Được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, khi người quan hệ chưa nhiễm HIV nhưng đã bị phơi nhiễm HIV, có khả năng đã tiếp xúc với vi rút HIV từ bạn tình vì những lý do cụ thể sau:

  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Tiêm chích ma túy không an toàn,
  • Dùng chung hoặc bị đâm bởi kim tiêm đã qua sử dụng
  • Bị lạm dụng, tấn công tình dục

PEP nên được dùng trong 72 giờ kể từ lần quan hệ cuối cùng mà người quan hệ nghi mình đã bị phơi nhiễm (tốt nhất nên uống trong 24 giờ đầu tiên) và cần tuân thủ điều trị tốt trong 28 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Một số tác dụng phụ khi sử dụng PEP cũng tương tự như PrEP, lưu ý thuốc có thể làm tăng men gan và ngưng sử dụng thuốc nếu bạn bị mắc hội chứng Stevens Johnson (phản ứng dị ứng thuốc). Hạn chế ăn đồ có dầu mỡ, chất béo, sữa chua khi uống thuốc và nên uống 1 - 2 giờ trước khi ăn.

💊 Thuốc kháng vi rút HIV - ARV (Antiretroviral drug): Được sử dụng dành cho người bị nhiễm HIV nhằm:

  • Ức chế sự nhân lên của vi rút, đồng thời duy trì nồng độ vi rút trong máu ở mức thấp nhất có thể
  • Phục hồi chức năng miễn dịch
  • Giảm nguy cơ tiến triển của bệnh
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân
  • Giảm sự lây truyền từ mẹ sang con hoặc qua bạn tình, tiêm chích ma túy

Từ đó, người bị nhiễm HIV có thể sống khỏe mạnh, lạc quan mà hệ miễn dịch không bị ảnh hưởng. Cũng như PrEP, khi được tư vấn điều trị, bệnh nhân nhiễm HIV sẽ phải uống ARV mỗi ngày 1 viên và tuyệt đối phải uống đúng 1 khung giờ mà bệnh nhân đã chọn, không được uống trễ hơn hoặc sớm hơn và không được bỏ thuốc. Sau khi điều trị, uống thuốc 6 tháng thì bệnh nhân sẽ được xét nghiệm tải lượng vi rút trong máu.

  • Nếu tải lượng dưới 200 bản sao (vi rút)/ml máu thì người nhiễm sẽ có thể bảo vệ được sức khỏe của mình. Điều này cũng có nghĩa nguy cơ lây truyền HIV sang bạn tình sẽ rất thấp từ không đáng kể đến không có nguy cơ.
  • Nếu tải lượng trên 200 bản sao/ml máu thì bệnh nhân cần tiếp tục uống thuốc và điều trị.

Việc điều trị HIV bằng ARV hiện đang là biện pháp phổ biến nhất và chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh HIV. Vì thế, bệnh nhân cần phải liên tục uống thuốc và thường xuyên tái khám để kiểm tra tải lượng cũng như lấy thuốc.

🧑‍⚕️ Đối với các loại thuốc dự phòng điều trị HIV sẽ có giá thành khá mắc, vì thế bạn hãy đăng ký bảo hiểm y tế để được cấp thuốc miễn phí tại các cơ sở khám chữa bệnh nhé. Một số cơ sở y tế hiện nay đang khám chữa bệnh và cấp thuốc mà cộng đồng biết đến nhiều nhất là:

3. Vắc xin phòng ngừa vi rút HPV (Human Papillomavirus)

Hiện đã có khoảng 100 chủng vi rút HPV đã được xác định, trong đó có khoảng 40 chủng có thể lây qua đường tình dục. HPV được chia làm 2 nhóm:

  • Các chủng gây ra các bệnh ung thư
  • Các chủng gây ra các bệnh sùi mào gà và mụn có lồi

HPV còn gây ra các bệnh liên quan đến ung thư cổ tử cung, âm đạo, đường hô hấp và hầu họng, HPV có 9 chủng loại phổ biến mà trong đó, đa số gây nên các bệnh lây qua đường tình dục như giang mai, sùi mào gà, bệnh lậu, mụn cóc sinh dục,... vắc xin HPV được khuyến cáo cho cả nam và nữ từ 9 đến 45 tuổi nhằm tăng khả năng miễn dịch và phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục. Hiện nay, vắc xin Gardasil 9 là loại vắc xin mới nhất đã được cập nhật 4 chủng mới, bảo vệ khỏi 9 chủng HPV (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58), trong đó:

  • HPV 6 và 11: Gây ra sùi mào gà và mụn có lồi
  • HPV 16 và 18: Gây ra ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, vòm họng và tuyến yên
  • HPV 31, 33, 45 và 52: Gây ra ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ và tuyến yên

HPV Gardasil 9 hiện đang được khuyến cáo chỉ định cho nam và nữ từ 9 tuổi cho đến 27 tuổi. Lịch tiêm cụ thể tại thời điểm tiêm lần đầu như sau:

Đối với người từ tròn 9 tuổi đến dưới 15 tuổi:

  • 2 mũi: Mũi 1 tiêm lần đầu trong độ tuổi; Mũi 2 cách mũi 1 từ 6 - 12 tháng (nếu mũi 2 tiêm cách mũi 1 dưới 5 tháng, cần tiêm thêm mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 3 tháng)
  • 3 mũi: Mũi 1 tiêm lần đầu trong độ tuổi; Mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 2 tháng; Mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 4 tháng

Đối với người từ tròn 15 tuổi đến dưới 27 tuổi:

  • 3 mũi: Mũi 1 tiêm lần đầu trong độ tuổi; Mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 2 tháng; Mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 4 tháng
  • Tiêm nhanh: Mũi 1 tiêm lần đầu trong độ tuổi; Mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng; Mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 3 tháng

Các tác dụng phụ sau khi tiêm HPV có thể kể đến sốt, nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn (tại chỗ tiêm có thể bị đau, sưng, nổi ban đỏ, chai cứng, ngứa, bầm tím, tăng nhạy cảm). Nếu bạn có mẫn cảm với các thành phần nào của vắc xin, hãy xin tư vấn của bác sĩ trước khi tiêm nhé.

🧑‍⚕️ Đối với vắc xin HPV Gardasil 9 hiện đang có giá khoảng từ 1.100.000 VNĐ - 3.000.000 VNĐ/mũi và bạn có thể thăm khám tại các cơ sở sau:\

Tài liệu tham khảo

[1] Lưu ý khi sử dụng PrEP
[2] Thắc mắc khi sử dụng PrEP
[3] PrEP là gì?
[4] PEP, cách dùng và lưu ý
[5] Dự phòng hiệu quả với PEP
[6] PEP phòng ngừa hiệu quả ra sao?
[7] Các lưu ý khi điều trị HIV bằng thuốc ARV
[8] Những điều cần biết về vắc xin HPV
[9] Các bệnh lây qua đường tình dục thường gặp
[10] Các cơ sở y tế cấp vắc xin HPV\

Từ khóa:
Giáo dục giới tính
Đồng tính