Published on

Những thông tin pháp luật nổi bật về cộng đồng LGBTQIA+

Tác giả
  • avatar
    Name
    Pride's Little World
    Twitter

Yếu tố này giúp họ từng bước được công nhận và cởi mở từ xã hội, không chỉ về mặt tinh thần mà còn về mặt pháp lý. Hãy cùng Pride’s Little World đi tìm hiểu về những điều luật quan trọng và những lợi ích mà điều luật này mang lại cho cộng đồng sắc màu của chúng ta nhé.

1. Hợp pháp hóa kết hôn đồng giới

Trước đây, kết hôn giữa những người cùng giới bị pháp luật cấm đoán, thậm chí những người kết hôn cùng giới có thể bị phạt tiền hoặc bỏ tù nếu phát hiện. Tuy nhiên bắt đầu vào thế kỷ 21, đã có một số quốc gia ban hành và cho phép người đồng tính kết hôn với nhau. Hà Lan là quốc gia đầu tiên chính thức hợp pháp hóa kết hôn đồng giới vào năm 2001. Tiếp đó, Bỉ và Canada lần lượt hợp pháp hóa kết hôn đồng giới vào năm 2003 và 2005. Đến hiện tại, đã có tổng cộng 30 quốc gia trên thế giới cho phép người đồng tính kết hôn với nhau.

Tiếc thay, Việt Nam vẫn chưa nằm trong số đó. Vào năm 2000, Nhà nước đã quy định tại Khoản 5, Điều 10, cấm kết hôn giữa những người đồng tính và tại Điểm e, Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001, việc kết hôn giữa những người cùng giới tính sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 500.000 đồng. Nhận thấy sự thay đổi về thực tế xã hội, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bác bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” và theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15.7.2020, những người đồng giới kết hôn với nhau không còn bị phạt. Tuy nhiên, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính được quy định tại Khoản 2, Điều 8. Dù thừa nhận về mặt pháp lý còn đang là một vấn đề rất lớn đối với người đồng tính tại Việt Nam khi đăng ký kết hôn, các quy định của pháp luật đang dần “cởi mở” hơn đối với cộng đồng LGBTQIA+. Đây cũng là một việc đáng mừng cho các cặp đôi đồng tính, với hy vọng pháp luật Việt Nam sẽ cho phép kết hôn đồng giới một ngày không xa.

2. Quyền thực hiện phẫu thuật chuyển giới và thay đổi giới tính

Theo kết quả nghiên cứu của iSEE, tỉ lệ người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam chiếm từ 9 - 11% dân số Việt Nam. Trong đó, theo Bộ Y tế, ước tính có khoảng 480.000 người chuyển giới ở Việt Nam. Vào ngày 21/11/2015, Quốc hội đã thông qua các điều luật sau trong Bộ luật Dân sự 2015 nhằm hỗ trợ những người mong muốn thay đổi giới tính trong các thủ tục pháp lý:

  • Điều 37 về quyền chuyển đổi giới tính: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”
  • Điểm c, Khoản 1, Điều 28 về quyền thay đổi tên của cá nhân nếu đã “xác định lại giới tính” đối với người đã chuyển đổi giới tính (việc thay đổi tên của các nhân sẽ không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ)
  • Điểm c, Khoản 2, Điều 3, Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về việc ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi cá nhân xác định lại giới tính
  • Điểm d, Khoản 1, Điều 23, Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định về các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nếu xác định lại giới tính, quê quán.
Alt text

Dự án Luật Chuyển đổi giới tính được Quốc hội thông qua vào năm 2015 đã chính thức quy định quyền và nghĩa vụ đối với người chuyển giới, trong đó có bao gồm các hành vi nghiêm cấm đối với người chuyển giới và các thủ tục pháp lý đối với người muốn thay đổi giới tính nhờ vào sự can thiệp của y học. Điều này đã cho phép người chuyển giới được sống đúng với giới tính của mình, đồng thời được pháp luật bảo vệ trước mọi hành động kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng, đe dọa tung thông tin cá nhân. Tuy pháp luật Việt Nam đã có nhiều cởi mở đối với cộng đồng người chuyển giới, vẫn còn một số trường hợp “dở khóc dở cười” khi xác thực danh tính trên CCCD/CMND/Hộ chiếu cũng như các thủ tục hành chính, pháp lý.

3. Thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ và nhận con nuôi

Xuất phát từ mong muốn có một gia đình trọn vẹn, không ít cặp đôi đồng giới đã thực hiện các biện pháp mang thai, thụ tinh trong ống nghiệm đối với các cặp đồng tính nữ và mang thai hộ ở các cặp đồng tính nam. Hiện nay, tình trạng mong muốn mang thai của các cặp đồng giới ở Việt Nam đang được quan tâm rất nhiều.

Ở các cặp đồng tính nam có hai hình thức phổ biến, mang thai hộ và nhận con nuôi. Tuy nhiên, theo Khoản 2, Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” và theo Khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP chỉ định việc mang thai hộ chỉ được phép diễn ra ở các cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân. Do đó, các cặp đồng tính nam không được phép thực hiện hình thức mang thai hộ do không được thừa nhận về mối quan hệ vợ chồng và không nằm trong đối tượng được cho phép. Việc mang thai hộ vẫn đang là một nút dây chưa được gỡ bởi họ cũng mong muốn con cái của mình mang trong mình dòng máu của họ.

Đối với các cặp đôi đồng tính nữ, ngoài việc nhận con nuôi thì thụ tinh trong ống nghiệm (IVF - In Vitro Fertilization) là hình thức phổ biến nhất để mang thai. Vì không được pháp luật công nhận mối quan hệ hôn nhân, do đó những người phụ nữ chung sống với nhau trên pháp luật vẫn được xem là phụ nữ độc thân. Vì thế, họ được phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (phụ nữ độc thân nằm trong đối tượng được phép theo Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP).

Hình thức nhận con nuôi cũng mắc phải một rào cản về pháp lý. Theo Khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010, một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Điều này có nghĩa các cặp đôi đồng tính không thể nhận con nuôi chung hay con nuôi riêng với tư cách là mối quan hệ vợ chồng mà chỉ có thể nhận với tư cách là người độc thân. Ngoài ra, hình thức này cũng đem lại nhiều bất cập cho các cặp đôi do thời gian xử lý hồ sơ nhận nuôi mất nhiều thời gian và việc kỳ thị từ các nhân viên hành chính vẫn còn tồn tại.

Hiện tại, chính phủ Việt Nam vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho các cặp đồng giới muốn có con thông qua mang thai hộ. Theo một cuộc khảo sát của tờ Tuổi Trẻ, đã có khoảng 70% các cặp đồng giới mong muốn có con. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc đưa ra chính sách hỗ trợ cho cộng đồng LGBTQIA+ trong việc sinh con. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn rất phức tạp và đòi hỏi sự thay đổi trong quan niệm và pháp luật của xã hội. Hi vọng rằng trong tương lai, chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ cho các cặp đồng giới trong việc sinh con và xây dựng một xã hội đa dạng và bao dung hơn.

4. Được phép tình nguyện hiến máu nhân đạo

Cộng đồng người đồng tính từng bị cấm tham gia hiến máu nhân đạo vì nhằm trong nhóm người có khả năng cao lây nhiễm HIV/AIDS, một phần cũng vì thời kỳ đại dịch HIV/AIDS bắt nguồn vào năm 1980. Vương quốc Anh đã từng có quy định không cho nhóm người này tham gia hiến máu. Tuy nhiên vào năm 2021, Anh đã bãi bỏ quy định này và cho phép người đồng tính có thể hiến máu, tuy nhiên họ cần phải có một đời sống tình dục khỏe mạnh và hạn chế quan hệ tình dục 03 tháng trước khi hiến máu. Tuy một số quốc gia khác như Croatia, Malaysia, Singapore và Ukraine hiện còn áp dụng lệnh cấm người đồng tính tham gia hiến máu, một số quốc gia khác như Việt Nam, Italy và Tây Ban Nha lại không hề có bất kỳ lệnh cấm nào đối với người đồng tính khi tham gia hiến máu. Ở Việt Nam, theo thông tin của Bộ Y tế, đối tượng có thể tham gia hiến máu bao gồm:

  • Tất cả mọi người từ 18 - 60 tuổi, thực sự tình nguyện hiến máu của mình để cứu chữa người bệnh
  • Cân nặng ít nhất là 42kg đối với phụ nữ, 45kg đối với nam giới. Lượng máu hiến mỗi lần không quá 9ml/kg cân nặng và không quá 500 ml mỗi lần
  • Không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác
  • Thời gian giữa 2 lần hiến máu là 12 tuần đối với cả nam và nữ
  • Có giấy tờ tùy thân

Vì vậy, Việt Nam không có bất kỳ lệnh cấm nào đối với người đồng tính khi tham gia hiến máu. Tuy nhiên, tất cả những người tham gia hiến máu đều phải kiểm tra xét nghiệm máu (nhóm máu, HIV, vi rút viêm gan B, vi rút viêm gan C, giang mai, sốt rét) nhằm đảm bảo máu của người hiến trong tình trạng tốt trước khi lấy máu.

*5. Nghĩa vụ quân sự và phục vụ công khai trong quân đội

Việc phục vụ trong quân đội cũng không phải là ngoại lệ đối với người đồng tính. Theo Điều 6 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, đối tượng có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ bao gồm:

  • Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân.
  • Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.

Ngoài ra, đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự được quy định trong Điều 17 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015:

  • Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.
  • Công dân nữ quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này đủ 18 tuổi trở lên.

Vì vậy, các cá nhân có thể đi nghĩa vụ quân sự hoặc tình nguyện phục vụ trong Lực lượng vũ trang khi đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính hay xu hướng tình dục. Đối với người chuyển giới, họ không nằm trong đối tượng miễn hay cấm tham gia nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, người chuyển giới từ nam sang nữ khi được Nhà nước công nhận thì sẽ được đưa vào trường hợp tự nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự và không còn bắt buộc nữa. Trường hợp người chuyển giới từ nữ sang nam hiện còn đang là thắc mắc của nhiều người do không được đề cập trong đối tượng không được hay miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.

6. Chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới

Việc tuyên bố rằng đồng tính không phải là bệnh bởi Tổ chức Y tế thế giới vào ngày 17/5/1990 đã gây ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng LGBTQIA+, đồng thời đem lại cái nhìn cởi mở đối với những người đồng tính, song tính và chuyển giới. Theo đó, vào ngày 03 tháng 08 năm 2022, Bộ Y tế Việt Nam đã phát hành Công văn số 4132/BYT-PC nhằm cải thiện công tác khám, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới nhằm giải quyết một số cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay tự nhận là đã chữa khỏi bệnh đồng tính. Công văn yêu cầu các cơ sở khám bệnh và chữa bệnh trong toàn quốc:

  • Tăng cường tuyên truyền và phổ biến để các bác sĩ, nhân viên y tế và người dân có thể hiểu đúng về người đồng tính, song tính và chuyển giới
  • Khi tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người đồng tính, song tính, chuyển giới phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử, kỳ thị đối với các đối tượng này
  • Không nên coi đồng tính, song tính và chuyển giới là một bệnh
  • Không nên can thiệp hoặc ép buộc điều trị cho những người này, nếu có thì chỉ được hỗ trợ tâm lý và phải do nhân viên y tế, bác sĩ có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện
  • Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người hành nghề trong việc thực hiện, tuân thủ các nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật

Các chỉ định trên đã góp phần đem lại công bằng cho những người thuộc cộng đồng LGBTQIA+, giúp họ được đối xử một cách tôn trọng, bình đẳng khi đăng ký khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Tài liệu tham khảo

[1] Hôn nhân đồng giới tại Việt Nam: Góc nhìn từ người làm công tác xã hội

[2] Người chuyển giới tại Việt Nam

[3] Pháp luật đối với người chuyển giới

[4] Những khó khăn về pháp lý, công tác hành chính đối với người chuyển giới

[5] LGBTQIA+ - Những quyền có và chưa có ở Việt Nam

[6] Rào cản khi nhận con nuôi đối với các cặp đôi đồng giới

[7] Thắc mắc về mang thai hộ đối với người đồng tính

[8] Q&A - Nghĩa vụ quân sự đối với người đồng tính

[9] Thông tin về người hiến máu tình nguyện

[10] Anh - Cho phép cộng đồng MSM tham gia hiến máu

[11] Chuyển giới có phải đi nghĩa vụ quân sự hay không?

Bộ Luật tham khảo

[1] Luật nuôi con nuôi 2010

[2] Luật Nghĩa vụ quân sự 2015

[3] Dự án Luật Chuyển đổi giới tính

[4]Công văn điều chỉnh công tác khám, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới

Từ khóa:
Pháp luật LGBT